Dự án Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên

Tổng mức đầu tư và hạ tầng cơ sở

Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã thăm dò, đầu tư một số công trình khai thác bô-xít, luyện alumina tại Tây Nguyên bao gồm 2 dự án là dự án bauxite Nhân Cơ tại Đắk Nông và dự án bauxite Tân Rai tại Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư của các dự án này đến năm 2029 là từ 190.000-250.000 tỷ đồng. Do cụm dự án có nhiều mỏ, cụm nhà máy và công trình phụ trợ cho nên phải xây dựng một tuyến đường sắt dài khoảng 270 km, vì vậy tổng mức đầu tư ước tính khoảng 3,1 tỷ USD. Dự án cũng đặt ra yêu cầu phải có một cảng biển để xuất khẩu sản phẩm.[8]

Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 (có xét đến năm 2025) được Chính phủ phê duyệt nêu kế hoạch xây dựng cảng chuyên dụng tại khu vực biển Bình Thuận (Bắc Hòn Gió hoặc Hòn Kê Gà). Năm 2009, Chính phủ duyệt quy hoạch xác định cảng Kê Gà thuộc nhóm cảng biển Nam Trung Bộ. Cảng này được chia làm hai phần, trong đó khu Bắc Kê Gà là cảng chuyên dùng làm khu liên hợp alumin. Dự án cảng biển Kê Gà có tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư sẽ gồm các bến xuất, bến nhập hàng hóa và bến bốc dỡ xuất khẩu alumin. Cảng dài khoảng 2,3 km với tổng diện tích 366 ha với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng. Theo Vinacomin, "Cảng Kê Gà hình thành sẽ rút ngắn cung đường, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của các dự án bauxite nhôm nói riêng cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế cho cả vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ". Vinacomin đề ra phương án trình Bộ Công Thương sẽ sử dụng hệ thống đường sắt từ Tây Nguyên đổ xuống Bình Thuận, là cảng biển Kê Gà để phục vụ vận chuyển, xuất khẩu alumin và chở nguyên liệu (than, xút rắn, dầu…), thậm chí còn có phương án lấy nước từ Bình Thuận lên để xử lý bùn đỏ. Tỉnh Bình Thuận đã dừng 12 dự án du lịch để lấy đất xây cảng.[9]

Ngày 6/3/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đồng ý dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà sau hơn 5 năm triển khai và 1 năm tạm dừng đầu tư xây dựng và chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, lập dự án đầu tư cảng tổng hợp cho các dự án bauxite, titan và hàng hóa tổng hợp khác cho giai đoạn sau năm 2020, phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ[9][10]. Một lãnh đạo tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay dự án cảng nước sâu Kê Gà được xây dựng với mục đích vận chuyển cho dự án bô xít Tây Nguyên có công suất lên đến 35 triệu tấn/năm nhưng quy mô sản xuất alumin hiện chưa đủ lớn (600.000 tấn/năm), nên tập đoàn có chủ trương dừng dự án và sẽ nghiên cứu lại. Theo ông này, tập đoàn đã đề xuất Chính phủ xin tạm dừng và Thủ tướng đã có chỉ đạo. Theo lãnh đạo Vinacomin, alumin từ dự án bô xít Tây Nguyên sẽ được vận chuyển trước mắt qua cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Ngoài ra, Bình Thuận đang triển khai xây dựng cảng Vĩnh Tân để thay thế. Vinacomin khẳng định chi phí đã đầu tư dự án chưa lớn vì cảng Kê Gà chưa được khởi công. Ông này cũng cho hay "Dự án cảng Kê Gà mới chỉ dừng ở mức nghiên cứu tiền khả thi nên chi phí bỏ ra chưa nhiều".[11]

Tháng 11 năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra yêu cầu sớm thu xếp vốn cho Dự án nâng cấp tuyến tỉnh lộ 725 đoạn từ nhà máy Alumin Tân Rai đến quốc lộ 20. Trong thời gian cảng Kê Gà chưa hoàn thành, sản phẩm của Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng dự kiến sẽ được vận chuyển theo hai tuyến trong đó Tuyến 1 đi từ tỉnh lộ 725-Quốc lộ 20-Quốc lộ 27-Quốc lộ 1-cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và Tuyến 2 đi từ tỉnh lộ 725-Quốc lộ 20-Tỉnh lộ 769-Quốc lộ 51-cảng Gò Dầu (Đồng Nai)[12]

Tổng vốn đầu tư đến tháng 4/2013 của dự án bauxite Tân Rai là 11.612 tỷ. Tổng mức đầu tư dự án Tân Rai tăng khoảng 31%, trong đó 73% tăng do nhiều nguyên nhân như: tỷ giá, tăng lãi vay đầu tư, giải phóng mặt bằng và một số điều chỉnh hạng mục công trình như hồ bùn đỏ, đập còn nguyên nhân chủ quan chiếm khoảng 20-30%. Hai dự án tăng tổng mức vốn đầu tư với tỷ lệ tương tự, nhưng nếu quy về USD không tính đến tỷ giá thì tỷ lệ tăng tổng mức đầu tư giảm đi. Tổng công suất 2 dự án là 650.000 tấn alumin/năm. Vinacomin cho biết đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của 2 dự án. Kết quả tư vấn cho thấy dự án đều có hiệu quả kinh tế về tác động kinh tế - xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tài chính doanh nghiệp cũng như thời gian hoàn vốn giản đơn.[13] Theo quyết định năm 2006 của Chủ tịch HĐTV TKV, tổng mức đầu tư cho dự án Tân Rai là 7.787,5 tỉ đồng (khoảng 493,5 triệu USD) với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện 2006-2009. Tuy nhiên, qua 4 lần điều chỉnh, đến tháng 10-2013, tổng mức đầu tư cho dự án này đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỉ đồng (tương đương 805 triệu USD), thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.

Tổng vốn đầu tư đến tháng 4/2013 của dự án bauxite Nhân Cơ là 6.836 tỷ đồng. Vốn đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu. Theo quyết định đầu tư năm 2007, vốn đầu tư cho dự án này chỉ là 3.285 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2014, tổng vốn đầu tư cho dự án đã tăng lên đến 16.821 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần vốn đầu tư dự kiến ban đầu do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên đến 650.000 tấn/năm. Dự án này đưa vào sản xuất chậm 6 năm so với quyết định ban đầu.[14]

Khai thác

Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của Tổ hợp nhôm Lâm Đồng là 12 năm, còn Nhân Cơ là 13 năm. Hàng năm, 2 dự án nộp ngân sách bình quân khoảng 850 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, phát triển dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, tạo tiền đề xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Việt Nam. Trong khoảng 3-5 năm đầu, dự án lỗ vì một số nguyên nhân: do khấu hao tính đủ, lãi vay thời kỳ đầu, nền kinh tế đang suy giảm, xuất phát điểm giá bán thấp..., nhưng sau này khi giá tăng lên thì dự án sẽ có lãi.[13] Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, đại diện Vinacomin cho rằng có thể giảm lỗ trên sổ sách trong thời kỳ đầu bằng cách khấu hao ít hơn[15]. Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumin với Công ty Marubenin (Nhật Bản) và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Vinacomin đang được Nhà nước cho hưởng mức thuế xuất khẩu sản phẩm alumin là 0%. Vinacomin khẳng định đã tính hiệu quả trên 30 năm rất chi tiết và rất nhiều thông số, từ dự án mỏ đến nhà máy alumin và tất cả các thông số dự báo. Họ xem xét và đi đến kết luận, khẳng định dự án có hiệu quả. Vinacomin chủ trương sử dụng lao động tại chỗ, nếu thiếu mới bổ sung nguồn lao động bên ngoài.[13]

Hai nhà máy dùng phương pháp thủy luyện để sản xuất alumin là công nghệ tiên tiến và phổ biến trên thế giới đang áp dụng, xuất xứ từ châu Mỹ. Hiện nay có 26/27 nhà máy kể cả ở những nơi như Úc đang sử dụng phương pháp khai thác, sản xuất này. Theo Vinacomin, với công nghệ khai thác hiện nay, sẽ tốt cho môi trường cây trồng sau khi hoàn nguyên. Còn về hồ bùn đỏ, công nghệ thải sẽ làm bùn "khô tự nhiên" và sẽ không thể xảy ra nguy cơ vỡ đập. Các chuyên gia đánh giá thiết kế khu vực hồ là trên mức an toàn so với yêu cầu. Để có nước phục vụ sản xuất trong điều kiện Tây Nguyên thiếu nước vào mùa khô, ở các khu vực có nhà máy đều có những hồ chứa nước, đảm bảo cho sản xuất alumin, và sản xuất nông nghiệp.[13]

Năm 2014, dự án Tân Rai sau 2 năm thí điểm đã xuất khẩu 490 ngàn tấn, thu về 160 triệu USD, đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 200 tỷ.[16]

Tháng 8 năm 2014 Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam thừa nhận dự án Tân Rai sẽ tiếp tục lỗ trong vòng 3 năm nữa và việc thu hồi vốn sẽ chỉ được thực hiện sau 11 năm hoạt động.[17]

Tháng 3 năm 2016, Bộ Công thương cho biết Dự án bauxite Nhân Cơ sẽ tiếp tục lỗ 4-5 năm nữa, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài 11-12 năm, nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ 4900 tỷ trong 10 năm (từ 2016-2025).[18] Tuy nhiên số tiền hỗ trợ được tính theo giá điện, nên có thể sẽ phải lên tới 1,2 tỷ USD.[18]

Đến tháng 9 năm 2016, sau 3 năm hoạt động, Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỉ đồng. Mức lỗ này đã vượt xa so với mức lỗ dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỉ đồng.[14]

Sự cố

  • Ngày 8 tháng 10 năm 2014 hồ thải quặng đuôi số 5 của dự án Tân Rai đã bị vỡ đê, 5 ngàn mét khối nước và bùn đỏ đã tràn ra ngoài.[19]
  • Ngày 13 tháng 2 năm 2016 đường ống dẫn nước có chứa chất xút độc hại từ hồ bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai bị vỡ khiến nước chảy tràn ra ngoài.[20] Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Lâm Đồng kết luận: nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống được xác định là do khớp nối bị “lão hóa” dẫn tới bục đường ống.[21] Đánh giá việc đường ống bị lão hóa chỉ sau 4 năm sử dụng, ông Nguyễn Văn Ban - nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, cho rằng đó là: "hệ quả công nghệ Trung Quốc".[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên http://boxitvn.blogspot.com/2010/10/chi-phi-can-uo... http://thongtinberlin.de/diendan/giaiphapnaochobun... http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3115... http://www.rfi.fr/actuvi/articles/114/article_3813... http://bauxitevietnam.info/ http://www.bauxitevietnam.info/tulieu/090518_quyet... http://dcctvn.net/ http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//547... http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5575... http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/04/3BA0DD5...